Năm 2019: cần tạo ra bứt phá trong triển khai NSW, ASW

21/02/2019 09:59

Sáng 19/2  tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) đã chủ trì phiên họp lần thứ 4 nhằm kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng triển khai năm 2019.

Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn và các thành viên Ủy ban 1899.

Đánh giá kết quả thực hiện của năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đã có những đột phá và chuyển biến căn bản trong công tác kết nối một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt là sau Hội nghị Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASW và tạo thuận lợi thương mại diễn ra vào tháng 7/2018.

Năm 2018, các bộ,  ngành đã triển khai mới được 106 thủ tục qua NSW và tính đến ngày 30/01/2019, đã có 173 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với gần 1,9 triệu hồ sơ của khoảng 27 ngàn doanh nghiệp.

Về triển khai ASW, Việt Nam là một trong 5 nước ASEAN đầu tiên trao đổi C/O điện tử mẫu D (hiện đang trao đổi C /O điện tử mẫu D với 4 quốc gia trong khu vực gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan). 

Về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cũng đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới đã đáp ứng được yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng cho rằng vẫn còn nhiều tồn, tại vướng mắc như số lượng thủ tục hành chính triển khai mới chưa đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng; việc phối hợp giữa các đơn vị từ khâu thống nhất quy trình chỉ tiêu thông tin phát triển phần mềm và kết nối hệ thống còn hạn chế; tiến độ phát triển, nâng cấp hạ tầng mạng, thiết bị không theo kịp tốc độ triển khai dẫn đến một số thời điểm hệ thống quá tải không đáp ứng kịp với giao dịch phát sinh…

Năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần tạo ra bứt phá trong việc triển khai NSW, ASW. Đó là việc quan tâm đến việc thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả về số lượng hồ sơ, thủ tục cũng như cải thiện thực chất hơn về điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, phục vụ đắc lực cho doanh nghiệp trong quá trình xuất nhập khẩu, làm thỏa mãn mức độ hài lòng của doanh nghiệp.

Cụ thể:

Với NSW, so với năm 2018 số lượng thủ tục cần kết nối năm 2019 không nhiều (61 thủ tục), do vậy các bộ, ngành ngoài việc tập trung triển khai các thủ tục còn tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả lấy sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp làm thước đo. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Việc nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện NSW, ASW phải đáp bảo nhu cầu trước mắt và mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài”.

Về thực hiện ASW, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nỗ lực đạt mục tiêu trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch động thực vật với các nước ASEAN; trao đổi thông tin C/O điện tử với Liên minh kinh tế Á- Âu và Hàn Quốc… Qua đó, giúp Việt Nam tạo được vai trò dẫn dắt trong thực hiện ASW, góp phần xây dựng nền tảng để Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020.

Về công tác quản lý kiểm tra chuyên ngành, theo Phó Thủ tướng, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn. 10 tháng năm 2018, số tờ khai nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành so với tổng số lô hàng làm thủ tục nhập khẩu hải quan tại các cửa khẩu chiếm đến 19,1%. Việc cắt giảm danh mục hàng hóa quản lý và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều hạn chế.

Phó Thủ tướng cho rằng: “Cắt giảm điều kiện kiểm tra chuyên ngành nhưng phải đảm bảo hài hòa giữa hai mục tiêu tạo thuận lợi thương mại và chống buôn lậu, gian lận thương mại”. Bởi thực tế kiểm tra một số bộ, ngành cho thấy, tạo thuận lợi thương mại chưa tới nơi mà chống gian lận thương mại cũng chưa đạt yêu cầu.

Phó Thủ tướng khẳng định quan điểm không chấp nhận việc cắt giảm (điều kiện, thủ tục kiểm tra chuyên ngành) lấy được để báo cáo thành tích mà phải đạt được cả hai mục tiêu trên. Đồng thời tăng cường khả năng quản lý, phối hợp các bộ, cơ quan và với Tổng cục Hải quan.

“Có những điều kiện, thủ tục kinh doanh không phải và không đáng phải cắt giảm hoặc buộc phải giữ để bảo đảm quản lý nhà nước mà lại cắt giảm cần phải rà soát lại. Ngược lại khi ban hành văn bản 'cắt giảm' nhưng lại 'đẻ' ra, cài cắm trong các thủ tục, điều kiện khác, đây là điều phải lưu ý”- Chủ tịch Uỷ ban1899 nhấn mạnh.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc “không ban hành được trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm tra thì không được phép kiểm tra chuyên ngành”. Bởi khi tiến hành kiểm tra chuyên ngành mà không có tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với mã HS thì không có cơ sở để kiểm tra và phải khắc phục tối đa việc một mã hàng hóa nhiều bộ, ngành cùng kiểm tra.

Kết thúc phiên họp, Phó Thủ tướng cũng đưa ra một số giải pháp trong việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại và hi vọng với quyết tâm, nỗ lực, các bộ, ngành sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chính phủ đặt ra trong năm 2019./.

Hỗ trợ trực tuyến

19009299

(chọn nhánh 02)

bophanhotrotchq@customs.gov.vn

Bản quyền thuộc về Tổng cục Hải Quan
Địa chỉ: Lô E3 - Đường Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội