Tổng cục Hải quan và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ phối hợp triển khai các công việc để bắt đầu trao đổi thí điểm kết nối chứng nhận kiểm dịch thực vật qua Cơ chế một cửa Asean (ASW) giữa Việt Nam và Indonesia.
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Chủ tịch Ủy ban 1899 giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính phấn đấu đến 2020 thực hiện trao đổi và công nhận lẫn nhau về các chứng từ thương mại được cấp dưới dạng điện tử với các nước ASEAN và trao đổi, xử lý chứng từ thương mại với các nước, khối – cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Để hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Tài chính đã và đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở pháp lý, trong đó, tập trung rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung các nghị định, quy định về thực hiện ASW được thống nhất; tiếp tục xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin trên nền tảng công nghệ tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm đáp ứng tiến độ triển khai theo cam kết của Chính phủ, tiết kiệm và đảm bảo hiệu quả đầu tư, tận dụng nguồn lực cũng như tăng cường khả năng bảo mật, an toàn thông tin; đồng thời thí điểm thuê dịch vụ của bên thứ ba trong cung cấp các tiện ích cho cả doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và ASW…
Từ 1/1/2018 đã có 05 quốc gia là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore đã chính thức thực hiện trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D (C/O form D) qua ASW. Theo số liệu mới nhất, tính đến ngày 25/4/2019, tổng số C/O form D Việt Nam gửi đi là gần 135 nghìn và nhận đến gần 76 nghìn C/O. Trong đó, Indonesia có số lượng nhiều nhất là 56,3 nghìn C/O gửi đi và 33,4 nghìn C/O nhận về; Malayxia lần lượt là 18,9 nghìn và 33,8 nghìn…
Ưu điểm của việc thực hiện qua ASW đối với việc trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) là việc áp dụng và phát hành C/O trực tuyến, nếu các nước thành viên có thỏa thuận, C/O trực tuyến sẽ thay thế C/O giấy và tất cả những điều chỉnh/sửa đổi hoặc kiểm tra sẽ được thực hiện trực tuyến, từ đó giúp tiết kiệm thời gian, công sức.
Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan điện tử ASEAN (ACCD) và giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật.
Đối với việc trao đổi thông tin tờ khai hải quan điện tử qua ASW trước mắt mỗi quốc gia vẫn tuân thủ quy trình hiện tại của mình nhưng khung thời gian thực hiện sẽ được rút ngắn vì tất cả các bước sẽ được thực hiện trực tuyến trên NSW và ASW. Các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra và phê duyệt trên hệ thống, mọi sửa đổi cũng sẽ được thực hiện trực tuyến để giảm thiểu thời gian chuyển giao chứng từ giấy…
Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có công văn đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp triển khai các công việc để thực hiện trao đổi thí điểm kết nối chứng nhận kiểm dịch thực vật qua ASW giữa Việt Nam và Indonesia.
Theo đó, phía Cục Bảo vệ thực vật sẽ phải chuẩn bị dữ liệu và hệ thống thử nghiệm sẵn sàng cho việc cấp chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu để kết nối với Cổng một cửa quốc gia trong quá trình trao đổi dữ liệu chứng nhận kiểm dịch thực vật với ASW. Dự kiến việc trao đổi thí điểm chứng nhận kiểm dịch thực vật sẽ được triển khai từ 01/7/2019.Theo Hiệp định về xây dựng và thực hiện ASW, ASW là một môi trường trong đó các NSW hoạt động và kết nối với nhau. NSW là một hệ thống cho phép xuất trình dữ liệu và thông tin một lần; xử lý thông tin và dữ liệu một lần và đồng thời; và ra quyết định một lần cho việc giải phóng và thông quan hàng hoá. Việc ra quyết định một lần được hiểu rằng cơ quan hải quan là một cơ quan ra quyết định duy nhất đối với việc giải phóng hàng hoá trên cơ sở quyết định của các bộ ngành chức năng được kịp thời gửi tới hải quan.
Như vậy, ASW sẽ là một môi trường kết nối bảo mật. Nhưng thay vì kết nối thương nhân, cộng đồng vận tải với các cơ quan chính phủ như NSW tại từng quốc gia, ASW sẽ kết nối tất cả các hệ thống NSW của các nước thành viên. Theo đó, thông tin về thương nhân, đơn vị vận tải, hàng hóa, tình trạng quản lý của các cơ quan Chính phủ sẽ dễ dàng được chia sẻ, tham khảo, đối chiếu tại tất cả các nước thành viên.
|