Tập trung xây dựng dự thảo Nghị định thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu trong thời gian tới

19/03/2024 11:00

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 431/TB-VPCP ngày 24/10/2023 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp về Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị định và khung dự thảo Nghị định nhằm cải cách, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thông quan hàng hóa, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, bảo đảm phù hợp với các thỏa thuận, điều ước quốc tế và định hướng về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, dự thảo Nghị định điều chỉnh đối với hoạt động thông quan hàng hóa, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Hàng hóa được nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện do các cơ quan có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn. Thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện trên môi trường điện tử qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, trên cơ sở phân tích, xử lý dữ liệu, đánh giá việc hàng hóa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện nhập khẩu để quyết định cho thông quan.

Các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp vào quy trình, thủ tục thông quan hàng hóa; chỉ thực hiện kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm sau thông quan. Nghị định quy định cụ thể các hàng hóa có độ rủi ro cao cần được kiểm soát chặt và trường hợp cần thiết phải kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định phải có biện pháp kiểm soát rủi ro, như hậu kiểm, tăng cường chế tài xử lý vi phạm của cá nhân, tổ chức...rà soát bảo đảm phù hợp với các thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên.

Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính gửi dự thảo Nghị định để lấy thêm ý kiến của các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương, Giao thông vận tải. Đề nghị các Bộ rà soát kỹ và sửa trực tiếp vào dự thảo Nghị định; đối chiếu với quy định của các Luật hiện hành và dự án Luật đang sửa đổi, bổ sung (như Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật…) để bảo đảm tuân thủ chặt chẽ định hướng cải cách kiểm tra chuyên ngành tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ và đồng bộ giữa dự thảo Nghị định với nội dung dự kiến sửa đổi trong các Luật; chỉ rõ những Điều, Khoản, Điểm vướng Luật và những giải pháp để hạn chế rủi ro (như các mặt hàng cần kiểm soát chặt) sau khi Nghị định được ban hành. Ý kiến tham gia của các Bộ gửi về Bộ Tài chính trước ngày 15/11/2023 để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 25/11/2023.

Trước đó, Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành kèm theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021.

Đề án đưa ra 7 nội dung cải cách lớn, bao gồm: (1) Giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; (2) Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra; (3) Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; (4) Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra; (5) Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp; (6) Bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; và (7) Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.

Lộ trình thực hiện Đề án được chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ năm 2020 đến năm 2023), trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Tổ chức triển khai thực hiện Đề án; Đánh giá, tổng kết việc thực hiện Đề án và đề xuất nhiệm vụ trong giai đoạn 2.

Giai đoạn 2 (từ năm 2023 đến năm 2026), rà soát, sửa đổi bổ sung các luật quản lý chuyên ngành và văn bản có liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.

Để triển khai Đề án, ngày 28/01/2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-TCHQ thành lập Tổ soạn thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ngày 05/05/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 923/QĐ-BTC thành lập Tổ triển khai Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Xác định việc xây dựng Nghị định là nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ giao, Tổng cục Hải quan- với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ xây dựng Đề án, cũng như triển khai thực hiện các nội dung của Đề án đã khẩn trương tập trung nguồn lực để triển khai xây dựng dự thảo Nghị định, đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp với các Bộ, ngành để xây dựng dự thảo Nghị định.

Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu khi được ban hành sẽ góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đồng thời, cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức.

Bên cạnh đó, cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu; tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng.

Không những thế còn giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với hàng hóa nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn kinh tế.

Cùng với đó là việc tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia (các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan hải quan, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định).

 
 
 
Hỗ trợ trực tuyến

19009299

(chọn nhánh 02)

bophanhotrotchq@customs.gov.vn

Bản quyền thuộc về Tổng cục Hải Quan
Địa chỉ: Lô E3 - Đường Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội