7 cải cách lớn của Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”

12/03/2021 04:09

​“Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” (gọi tắt là Đề án) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021. Theo đó, đề án đưa ra 7 cải cách lớn, nhằm cải cách thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp, phát huy trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cải cách 1: Giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu

Theo Quyết định số 38/QĐ-TTg, cơ quan hải quan sẽ là đầu mối thực hiện kiểm tra chất lượng (KTCL), kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký KTCL, kiểm tra ATTP hàng hóa nhập khẩu; quyết định phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm); thực hiện kiểm tra hồ sơ.

Trường hợp hàng hóa phải lấy mẫu để chứng nhận hợp quy/giám định thì thực hiện chứng nhận hợp quy/giám định tại tổ chức chứng nhận/giám định hoặc các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan được bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định theo lựa chọn của người khai hải quan.

Các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan được thực hiện chứng nhận hợp quy/giám định khi có bộ máy tổ chức và năng lực đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với tổ chức chứng nhận sự phù hợp, được công nhận hoạt động theo quy định của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và được các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định.

Kết quả KTCL, kiểm tra ATTP của cơ quan hải quan là cơ sở để người khai hải quan thực hiện thủ tục hải quan. Trường hợp không nhất trí với kết quả KTCL, kiểm tra ATTP của cơ quan hải quan, người khai hải quan thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Cải cách 2: Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực KTCL, kiểm tra ATTP nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra

Đề án đề ra việc áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra gồm: Kiểm tra chặt ( là việc kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu chứng nhận, giám định, kiểm nghiệm); Kiểm tra thông thường (là việc kiểm tra hồ sơ đăng ký KTCL, kiểm tra ATTP) và kiểm tra giảm (là việc kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên không quá 5% trên tổng số lô hàng thuộc diện kiểm tra giảm của năm liền kề trước đó) cho cả lĩnh vực KTCL và kiểm tra ATTP.

Hàng hóa đã có 03 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt được chuyển sang phương thức kiểm tra thông thường; hàng hóa đã có 03 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường được chuyển sang phương thức kiểm tra giảm.

Doanh nghiệp không phải gửi văn bản yêu cầu để được áp dụng kiểm tra giảm mà hệ thống công nghệ thông tin và cơ quan kiểm tra nhà nước tự động xác định hàng hóa được miễn giảm kiểm tra.

Việc áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra phụ thuộc vào mức độ rủi ro, khả năng gây mất an toàn của hàng hóa nhập khẩu (ví dụ, đối với hàng hóa có độ rủi ro cao như vật liệu nổ, thuốc thú y... phải kiểm tra chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa).

Cải cách 3: Đơn giản hóa thủ tục KTCL, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu

Với nội dung này, cơ quan hải quan sẽ thực hiện đồng thời thủ tục nhập khẩu hàng hóa và thủ tục KTCL, kiểm tra ATTP, doanh nghiệp chỉ thực hiện với một đầu mối là cơ quan hải quan.

Hàng hóa nhập khẩu được phân loại vào các quy trình kiểm tra khác nhau dựa trên các phương thức kiểm tra theo hướng đơn giản dần trên cơ sở ứng dụng tối đa công nghệ thông tin. Hệ thống tự động quyết định đối tượng được miễn, giảm kiểm tra, doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn, giảm kiểm tra.

Cải cách này sẽ giúp cắt giảm trình tự, thủ tục và thời gian thông quan hàng hóa (cắt giảm 3 bước thủ tục trong 10 bước đối với quy trình KTCL, cắt giảm 2 bước thủ tục trong 5 bước đối với quy trình kiểm tra ATTP). Cụ thể:

Bảng 1: Quy trình kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu

Bước

Quy trình hiện tại

(Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện KTCL)

Quy trình Mô hình mới

(Hải quan thực hiện KTCL)

1.

Bộ quản lý ngành, lĩnh vực: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng

Hải quan: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký tờ khai hải quan, kèm hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng

2.

Bộ quản lý ngành, lĩnh vực:  Xử lý hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng

Hải quan:  Cơ quan hải quan xử lý hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng (kết hợp xử lý hồ sơ hải quan)

3.

Doanh nghiệp: Đề nghị tổ chức chứng nhận/giám định được chỉ định thực hiện chứng nhận hợp quy/giám định hàng hóa tại cửa khẩu

Hải quan:  Gửi yêu cầu Tổ chức chứng nhận/giám định được chỉ định thực hiện chứng nhận hợp quy/giám định

4.

Tổ chức chứng nhận/giám định: Thực hiện chứng nhận hợp quy/giám định

Tổ chức chứng nhận/giám định: Thực hiện chứng nhận hợp quy/giám định

5.

Tổ chức chứng nhận/giám định: Thông báo kết quả chứng nhận hợp quy/giám định cho doanh nghiệp

Tổ chức giám định được chỉ định: Thông báo kết quả chứng nhận hợp quy/giám định cho cơ quan hải quan

6.

Doanh nghiệp: Nộp kết quả chứng nhận hợp quy/giám định do tổ chức chứng nhận/giám định thực hiện cho Bộ, ngành để kiểm tra

(*)Trường hợp Bộ, ngành trực tiếp thử nghiệm bỏ qua bước này

Bước cắt giảm

7.

Bộ quản lý ngành, lĩnh vực: Kiểm tra lại kết quả chứng nhận/giám định do tổ chức chứng nhận/giám định thực hiện hoặc trực tiếp thử nghiệm mẫu khi cần thiết

Hải quan: Cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ kiểm tra chất lượng và kết quả chứng nhận/giám định (kết hợp kiểm tra hồ sơ hải quan). Trường hợp cần thiết, cơ quan hải quan trực tiếp lấy mẫu để thử nghiệm

8.

Bộ quản lý ngành, lĩnh vực: Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng cho người nhập khẩu

Bước cắt giảm

9.

Doanh nghiệp: Nộp kết quả kiểm tra chất lượng cho cơ quan hải quan để làm thủ tục nhập khẩu

Bước cắt giảm

10.

Hải quan: Thông quan

Hải quan:  Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng và thông quan

(Gộp bước 8 và 10)

Như vậy, doanh nghiệp đã cắt giảm được 3 bước thủ tục gồm: (i) Doanh nghiệp nộp kết quả chứng nhận hợp quy/giám định do tổ chức chứng nhận/giám định thực hiện cho cơ quan kiểm tra chất lượng để kiểm tra lại; (ii) Doanh nghiệp nhận thông báo kết quả kiểm tra chất lượng từ Bộ quản lý ngành, lĩnh vực; (iii) Doanh nghiệp nộp kết quả kiểm tra chất lượng do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực cấp cho cơ quan hải quan để làm thủ tục nhập khẩu.

Thực chất, theo Mô hình mới, doanh nghiệp chỉ phải đăng ký kiểm tra chất lượng với cơ quan hải quan, lựa chọn tổ chức giám định và thông báo cho cơ quan hải quan, thông quan hàng hóa nếu hàng hóa đạt chất lượng. Doanh nghiệp không phải đi lại giữa cơ quan kiểm tra nhà nước và cơ quan hải quan, từ đó giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

Bảng 2:  Quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu

Bước

Quy trình hiện tại

(Cơ quan được Bộ giao/chỉ định thực hiện KTATTP)

Quy trình Mô hình mới

(Hải quan thực hiện KTATTP)

1.

Cơ quan được Bộ giao/chỉ định: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm

Hải quan: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký tờ khai hải quan, kèm hồ sơ đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm

2.

Cơ quan được Bộ giao/chỉ định:   kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm

Hải quan:  Kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm (kết hợp kiểm tra hồ sơ hải quan)

3.

Cơ quan được Bộ giao/chỉ định:   Thông báo kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm cho người nhập khẩu

Bước cắt giảm

4.

Doanh nghiệp: Nộp kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm cho cơ quan hải quan để làm thủ tục nhập khẩu

Bước cắt giảm

5.

Hải quan: Thông quan

Hải quan:  Thông báo kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm và thông quan

(Gộp bước 3 và 5)

Đối với quy trình kiểm tra ATTP, doanh nghiệp cắt giảm được 2 bước thủ tục, gồm: (i) Doanh nghiệp nhận thông báo kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm từ cơ quan được Bộ giao/chỉ định; (ii) Doanh nghiệp nộp kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm do cơ quan được Bộ giao/chỉ định cấp cho cơ quan hải quan để làm thủ tục nhập khẩu.

Theo Mô hình mới, doanh nghiệp chỉ phải đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm với cơ quan hải quan và thông quan hàng hóa nếu hàng hóa đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp không phải đi lại giữa cơ quan được Bộ giao/chỉ định và cơ quan hải quan, từ đó giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

Cải cách 4: Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra

Một trong những nội dung cải cách của Đề án là áp dụng phương thức kiểm tra, chuyển đổi phương thức kiểm tra từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm thực hiện đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu để cắt giảm một số bước kiểm tra không cần thiết và cắt giảm tỷ lệ kiểm tra đối với cùng một mặt hàng. Người nhập khẩu chịu trách nhiệm với lô hàng nhập khẩu và sẽ bị xử lý theo quy định nếu hàng hóa không đạt chất lượng.

Cải cách 5: Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong KTCL, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp

Nội dung của cải cách này là áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong KTCL, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm: đánh giá theo tiêu chí lựa chọn đối với nhà xuất khẩu, nhà sản xuất ở nước ngoài; đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; xây dựng Danh mục hàng hóa rủi ro của từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành;

Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp cung cấp cho cơ quan hải quan các thông tin rủi ro để thực hiện áp dụng quản lý rủi ro “tích hợp” trong KTCL, kiểm tra ATTP. Cơ quan hải quan thực hiện KTCL, kiểm tra ATTP trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc ngẫu nhiên (không quá 5%) để đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.

Cải cách 6: Bổ sung đối tượng được miễn KTCL, kiểm tra ATTP

Áp dụng thống nhất các trường hợp miễn KTCL, kiểm tra ATTP trên cơ sở tổng hợp các trường hợp miễn kiểm tra tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 85/2019/NĐ-CP; bổ sung, mở rộng một số trường hợp miễn phù hợp với thực tiễn; công nhận, thừa nhận hàng hóa đã được kiểm tra tại nguồn, hàng hóa được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn chất lượng cao.

19 trường hợp được miễn KTCL, miễn kiểm tra ATTP theo Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:

1. Tài sản di chuyển của tổ chức cá nhân trong định mức miễn thuế; quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế;

2. Hàng hóa nhập khẩu trong định lượng miễn thuế theo quy định của pháp luật phục vụ cho công tác và sinh hoạt của cá nhân/tổ chức nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao;

3. Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, từ nước ngoài gửi vào kho ngoại quan để xuất ra nước ngoài;

4. Hàng hóa là mẫu hàng để quảng cáo không có giá trị sử dụng, hàng mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu có số lượng phù hợp với mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu có xác nhận của tổ chức, cá nhân;

5. Hàng hóa tạm nhập để trưng bày hội chợ, triển lãm;

6. Hàng hóa tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế;

7. Hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới trong định mức miễn thuế;

8. Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế;

9. Hàng hóa nhập khẩu tại chỗ;

10. Hàng nhập khẩu để sửa chữa, tái chế;

11. Hàng nhập khẩu chuyên dùng cho mục đích an ninh, quốc phòng;

12. Hàng hóa đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (đối với hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm);

13. Hàng hóa là sản phẩm, nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu;

14. Hàng hóa là sản phẩm, nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu để phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất của người nhập khẩu;

15. Hàng hóa nhập khẩu là hàng đơn lẻ để bảo hành, thay thế; hàng hóa là bộ phận của dây chuyền thiết bị đồng bộ;

16. Hàng hóa nhập khẩu từ nhà sản xuất đã được cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam kiểm tra tại nguồn, do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực công bố theo từng thời kỳ;

17. Hàng hóa được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn chất lượng cao thể hiện qua các nhãn chất lượng (ví dụ: hàng hóa được gắn nhãn CE, KC, FDA...) do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực công bố theo từng thời kỳ;

18. Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

19. Hàng hóa nhập khẩu khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có).

Cải cách 7: Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới

Theo đó, đề án sẽ kế thừa lại phần thiết kế các chức năng xử lý dữ liệu thuộc hệ thống xử lý chuyên ngành và chuyển luồng dữ liệu từ Cổng thông tin một cửa quốc gia trực tiếp tới hệ thống thông quan hải quan, các hệ thống chuyên ngành tiếp tục chia sẻ thông tin hiện có và chia sẻ thêm thông tin thông quan từ phía cơ quan hải quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, Cổng thông tin một cửa quốc gia, hệ thống thông quan tự động và hệ thống quản lý rủi ro cũng được nâng cấp để bổ sung các tính năng mới (Hỗ trợ doanh nghiệp xác định hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành; hỗ trợ doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn/quy chuẩn áp dụng đối với hàng hóa; kết nối và chia sẻ hồ sơ, dữ liệu cho các bên liên quan; phân luồng kiểm tra chuyên ngành kết hợp với phân luồng kiểm tra hải quan; cung cấp các chỉ dẫn cho doanh nghiệp để thực hiện các công đoạn trong kiểm tra chuyên ngành kết hợp với kiểm tra hải quan; lấy mẫu, giao nhận mẫu và quản lý mẫu...).

 

Đứng trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng, giao lưu thương mại quốc tế ngày càng phát triển như hiện nay, việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động trao đổi thương mại qua biên giới trở thành xu hướng tất yếu, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo trong những năm qua, thể hiện cụ thể tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm, Nghị quyết số 99/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019, 2020 về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Riêng đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu phải cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức; cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp; phù hợp với thông lệ quốc tế, các Hiệp định mà Việt Nam là thành viên; bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng, bảo vệ an toàn kinh tế, an ninh quốc gia; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, của doanh nghiệp và của quốc gia. Đề án “Cải cách công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” đã đáp ứng được yêu cầu, chỉ đạo nêu trên.

Dự án Tạo Thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ đã đánh giá tác động của Đề án về mặt pháp lý và thủ tục hành chính. Theo đó, Đề án đã đơn giản hóa quy trình và giảm thiểu thủ tục KTCL và kiểm tra ATTP. Thể hiện ở quy trình kiểm tra được cắt giảm một số bước so với mô hình hiện tại nhờ vào việc doanh nghiệp không cần phải lấy kết quả kiểm tra từ cơ quan kiểm tra thuộc bộ quản lý ngành, kết quả giám định để nộp cho cơ quan hải quan; không cần xin giấy xác nhận để được miễn kiểm tra do cơ quan hải quan đã có dữ liệu về lịch sử kiểm tra, hệ thống tự động cập nhật hàng hóa, doanh nghiệp được áp dụng miễn giảm kiểm tra.

Đồng thời, Đề án đã góp phần đơn giản hóa thủ tục kiểm tra nộp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, hồ sơ đã có trong bộ hồ sơ hải quan hoặc trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, doanh nghiệp không cần phải nộp cho cơ quan hải quan giúp giảm bớt các giấy tờ chồng chéo giữa các lần kiểm tra, giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ KTCL, kiểm tra ATTP; cũng như giúp giảm gánh nặng KTCL, kiểm tra an ATTP. Theo mô hình mới, tỷ lệ lô hàng cần kiểm tra sẽ giảm do áp dụng phương pháp kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm một cách hiệu quả và thực chất hơn; thời gian thông quan sẽ được rút ngắn do tỷ lệ lô hàng cần kiểm tra và thủ tục và quy trình kiểm tra được đơn giản hóa. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thêm chi phí và thời gian.

Đề án đã áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro một cách toàn diện hơn. Điều này được thể hiện ở việc xác định phạm vi và phương pháp kiểm tra dựa vào từng mặt hàng (thay vì chỉ dựa vào đối tượng chủ hàng như mô hình hiện nay). Việc thay đổi cách tiếp cận này sẽ làm tăng số lượng đối tượng đủ điều kiện áp dụng phương pháp kiểm tra thông thường (kiểm tra hồ sơ); kiểm tra giảm (chỉ kiểm tra ngẫu nhiên tối đa 5% trong tổng khối lượng hàng hóa phải kiểm tra giảm). Việc kiểm tra theo mặt hàng phù hợp với quy định do Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định quản lý chất lượng dựa trên quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn do nhà sản xuất công bố áp dụng, chưa quy định theo nhà nhập khẩu.

Đề án cũng giúp tăng cường tính tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp với việc kiểm tra ngẫu nhiên. Việc lựa chọn ngẫu nhiên 5% để KTCL và kiểm tra ATTP, cộng thêm với việc thực thi quy định và các chế tài xử lý không tuân thủ, sẽ khuyến khích việc tuân thủ tự nguyện của các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý sẽ thực hiện tốt vai trò quản lý của mình, đáp ứng được yêu cầu vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu vừa tăng cường hiệu quả kiểm soát rủi ro.

Cùng với việc tăng cường tính minh bạch và chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, việc đăng ký kiểm tra, trả kết quả kiểm tra, giám định của các các nhân, tổ chức liên quan được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia giúp thông tin được minh bạch, tăng cường kết nối thông tin giữa các các Bộ ngành.

Ngoài ra, Đề án sẽ góp phần tối đa hóa vai trò của lĩnh vực tư nhân trong kiểm nghiệm và đánh giá sự phù hợp do doanh nghiệp được lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để thử nghiệm, giám định hàng hóa tại cửa khẩu. 

Hỗ trợ trực tuyến

19009299

(chọn nhánh 02)

bophanhotrotchq@customs.gov.vn

Bản quyền thuộc về Tổng cục Hải Quan
Địa chỉ: Lô E3 - Đường Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội