Tập trung nhiệm vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2020

19/03/2020 09:56

Năm 2019, các Bộ, ngành đã nỗ lực triển khai kết nối 37/51 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia (trong đó triển khai được 15/51 thủ tục, chiếm 29,4%; đang kết nối và kiểm thử 22/51 thủ tục, chiếm 43,1%). Trong năm 2020,  các Bộ, ngành sẽ phải tập trung, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao.
188 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia
Tính đến ngày 31/01/2020, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 188 thủ tục hành chính (TTHC) của 13 Bộ, ngành kết nối, với trên 2,8 triệu hồ sơ của khoảng trên 35 ngàn doanh nghiệp. Trong năm 2019, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nỗ lực cùng với các Bộ, ngành để triển khai các TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; xây dựng mới và hoàn thành công tác kết nối 15 thủ tục, đang kết nối và kiểm thử 22 thủ tục, dự kiến đến hết Quý 1/2020 sẽ hoàn thành việc triển khai các TTHC của năm 2019.
Tuy nhiên, số lượng TTHC mới triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2019 còn khá khiêm tốn, số lượng triển khai thêm được 15 TTHC, còn lại 36 TTHC khác đang trong quá trình triển khai và dự kiến đến hết Quý I/2020 mới có thể hoàn thành kế hoạch năm 2019.
Bên cạnh đó, việc triển khai các nhiệm vụ sửa đổi các văn bản pháp luật, ban hành Danh mục HS, công bố quy chuẩn kỹ thuật của các Bộ ngành còn chưa hoàn thành theo chỉ đạo và thời hạn do Chính phủ đề ra. Một số văn bản mới được ban hành theo chỉ đạo cải cách công tác KTCN của Chính phủ còn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc, hoặc chưa phù hợp với quy định của văn bản.
Một số Bộ, ngành còn thiếu quyết liệt và khẩn trương trong triển khai các nhiệm vụ; việc phối hợp rà soát, chuẩn hóa các Danh mục chuyên ngành còn tồn tại nhiều hạn chế. Nhiều Bộ ngành chậm ban hành các thông tư hướng dẫn hoặc ban hành thông tư không đúng chỉ đạo của Chính phủ gây khó khăn cho doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện…
Về cơ chế một cửa ASEAN, đến 25/2/2020, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước ASEAN gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philipines. Tính đến ngày 31/01/2020, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là: 165.061 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là: 201.652 C/O.
Việc thực hiện công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành (KTCN) theo Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Quyết định số 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020 đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Các Bộ, ngành đã từng bước loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động KTCN; rà soát cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, KTCN; ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và KTCN kèm mã số HS; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm hàng phải KTCN... thông qua việc sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về KTCN theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 2026/QĐ-TTg, Quyết định số 1254/QĐ-TTg.
Tính đến 31/01/2020, các Bộ, ngành đã hoàn thành sửa đổi, bổ sung 18/29 văn bản quy định về quản lý và KTCN; hoàn thành công bố 29/53 danh mục hàng hóa có mã HS; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn cho 18/22 nhóm hàng cần ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn. Một số Bộ như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế đã ủy quyền/chỉ định nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định/ủy quyền thực hiện công tác KTCN.
Năm 2020: Các Bộ, ngành tập trung triển khai nhiệm vụ
Có thể thấy, nhiệm vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, các hoạt động tạo thuận lợi thương mại trong năm 2020 còn khó khăn. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, trong năm 2020, các Bộ, ngành cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao.
Tại phiên họp lần thứ sáu của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo 1899 đã chỉ đạo các Bộ, ngành cần tập trung triển khai nhiệm vụ trong năm 2020.
Trong đó, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung; xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.
Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan để xây dựng căn cứ pháp lý cho triển khai Đề án thí điểm bảo lãnh thông quan và Đề án cải cách KTCN.
Các Bộ, ngành tập trung nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện rà soát quy trình thủ tục, chỉ tiêu thông tin, phát triển hệ thống công nghệ thông tin và các giải pháp liên quan khác nhằm đảm bảo hoàn thành tiếp 36 TTHC trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2019, đồng thời hoàn thành các TTHC cần triển khai trong năm 2020.
Cùng với đó là, xây dựng kế hoạch của Bộ, ngành mình để tổ chức triển khai Nghị định số 85/2019/NĐ-CP của Chính phủ để bảo đảm Nghị định được thực hiện thống nhất ngay từ khi có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020.
Công tác quản lý và KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cũng cần được tiếp tục cải cách, đổi mới theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp XNK. Trong quá trình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và KTCN, đặc biệt là các nội dung liên quan đến kiểm tra nhà nước về hải quan, các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thường trực (Tổng cục Hải quan) để các văn bản có tính khả thi và đi vào cuộc sống, tránh tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Nghiên cứu triển khai Đề án đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các Bộ ngành cần nghiên cứu, đánh giá tác động của dịch viêm đường hô hấp do virus corona mới gây ra trên phạm vi toàn cầu đến giao lưu hàng hóa qua biên giới cũng như đến sản xuất trong nước. Qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa song vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, bảo vệ cộng đồng.
Ngoài ra, các Bộ ngành chủ động nghiên cứu và phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất giải pháp về nghiệp vụ, kỹ thuật trong việc trao đổi thông tin chứng từ điện tử với các đối tác thương mại của Việt Nam. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương có ý kiến gửi Bộ Tài chính đối với đề xuất kết nối trao đổi thông tin chứng nhận kiểm dịch điện tử với Niu-di-lân.
Bộ Thông tin và Truyền thông bố trí đủ nguồn lực và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để giải quyết vướng mắc, rút ngắn thời gian thẩm định đối với hồ sơ đề xuất cấp độ an ninh thông tin.
Bộ Công an khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan để khai kết nối Hệ thống chuyên ngành của Bộ Công an với cổng thông tin một cửa quốc gia phục vụ thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không theo quy định tại Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định thực hiện TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Bộ Công Thương - đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ điều phối và phát triển logistic quốc gia chủ trì, khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thành việc xây dựng kế hoạch, đề xuất giải pháp thúc đẩy logistics và trình Ủy ban 1899 xem xét, phê duyệt; công bố báo cáo phát triển dịch vụ logistic năm 2020.
Hỗ trợ trực tuyến

19009299

(chọn nhánh 02)

bophanhotrotchq@customs.gov.vn

Bản quyền thuộc về Tổng cục Hải Quan
Địa chỉ: Lô E3 - Đường Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội