Năm 2018: Công tác kiểm tra chuyên ngành đạt nhiều kết quả tích cực

28/02/2019 08:40

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  cùng Tổ công tác của Chính phủ và sự chủ động, vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, năm 2018, công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) có nhiều chuyển biến rõ rệt theo yêu cầu tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg, Quyết định số 1254/QĐ-TTgvà Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Nỗ lực xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về quản lý chuyên ngành và KTCN

Đến 31/12/2018, các Bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 82/87 văn bản về KTCN theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Đến ngày 31/12/2018, các Bộ, ngành cũng tiếp tục sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL về quản lý KTCN; ban hành Danh mục hàng hóa XNK thuộc diện quản lý và KTCN kèm mã số HS theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 về việc “phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020”. Kết quả: trong tổng số 27 văn bản cần sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý và KTCN trong quý IV/2018, đã hoàn thành 07 văn bản, đang triển khai 07 văn bản và chưa triển khai 13 văn bản.

Trong tổng số 54 danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và KTCN kèm theo mã số HS cần được rà soát, công bố trong Quý IV/2018 cho phù hợp với Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC, đã hoàn thành 09 văn bản, đang triển khai 04 văn bản, chưa triển khai 41 văn bản. Một số Bộ, ngành còn nhiều văn bản KTCN như: Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải…

Cắt giảm và đơn giản hóa danh mục mặt hàng phải KTCN

Song song với việc hoàn thiện văn bản QPPL, trong năm 2018, các Bộ quản lý chuyên ngành đã ban hành nhiều văn bản mới theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cắt giảm danh mục hàng hóa phải KTCN, thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra, nhiều mặt hàng đã được chuyển thời điểm kiểm tra từ giai đoạn trước thông quan sang sau thông quan, tăng đối tượng được miễn kiểm tra, minh bạch hóa danh mục hàng hóa kèm mã số HS, bãi bỏ những quy định không phù hợp.

Việc cắt giảm và đơn giản hóa danh mục mặt hàng phải KTCN đã góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

Cải cách toàn diện hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK

Rà soát, loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động KTCN:  trong năm 2018, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ trì, phối hợp với một số Bộ, ngành tiếp tục rà soát các mặt hàng XNK chồng chéo trong quản lý và kiểm tra, đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý, KTCN trước thông quan.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng tham mưu trình Chính phủ ban hành các văn bản theo hướng chuyển thời điểm KTCN từ giai đoạn trong thông quan sang sau thông quan. Điển hình như Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật An toàn thực phẩm theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, quy định các phương thức kiểm tra phù hợp theo mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, bổ sung thêm nhiều đối tượng được miễn kiểm tra; hay tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (Khoản 1 Điều 15) quy định “Trường hợp một lô hàng nhập khẩu có nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều bộ thì cơ quan kiểm tra nhà nước là cơ quan được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao hoặc chỉ định”.

Quy định đối tượng miễn KTCN cũng được chú trọng Một số Bộ, ngành đã tham mưu trình Chính phủ ban hành nghị định, hoặc ban hành thông tư hướng dẫn quy định đối tượng, trường hợp miễn KTCN. Đơn cử như Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định 9 trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm như: (i) Sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; (ii) Sản phẩm mang theo người nhập cảnh, gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi của người nhập cảnh để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hoặc mục đích chuyến đi; quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế; (iii) Sản phẩm nhập khẩu dùng cho cá nhân của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao; (iv) Sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; (v) Sản phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu…

Ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ KTCN: Tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các mặt hàng thuộc diện phải KTCN là cơ sở để doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý thực hiện. Việc không hoặc chưa ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn gây nhiều khó khăn cho cả phía doanh nghiệp và cơ quan hải quan. Trong năm qua, việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ KTCN đã được chú trọng, đẩy mạnh hơn. Đến nay, nhiều Bộ, ngành đã ban hành cơ bản đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra chất lượng trước thông quan như: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cũng trong năm 2018, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành để áp mã số các Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và KTCN;  các Bộ ngành cũng tích cực thực hiện điện tử hóa thủ tục KTCN, đồng thời tham gia tham gia Cơ chế một cửa quốc gia; áp dụng quản lý rủi ro trong KTCN cũng như việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, xã hội hóa hoạt động KTCN.

Có thể nói, năm 2018, công tác KTCN đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả khả quan. Việc cắt giảm điều kiện KTCN đã vượt chi tiêu Nghị quyết Chính phủ giao. Tính đến cuối năm 2018, các Bộ ngành đã cắt giảm được 60-70% danh mục phải KTCN so với mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% của Chính phủ.

Theo số liệu thống kê của TCHQ, trong quý II/2015 có 82.698 mặt hàng thuộc diện quản lý và KTCN thì đến 31/12/2018còn 77.419 mặt hàng (giảm 5279 mặt hàng). Trong đó, các Bộ có số lượng mặt hàng giảm nhiều nhất là: Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải...

 
5 Bộ có số lượng cắt giảm nhiều nhất các mặt hàng KTCN

Đến 31/12/2018, số tờ khai nhập khẩu thuộc diện quản lý và KTCN so với tổng số lô hàng nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu chiếm 19,1% ( so với năm 2015 là 35%).

Vẫn còn nhiều thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2018, vẫn còn nhiều Bộ, ngành vẫn chưa hoàn thành được các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP, Quyết định 2026/QĐ-TTg, Quyết định số 1254/QĐ-TTg. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và KTCN còn khá nhiều, phạm vi quản lý và kiểm tra rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra, còn quy định chồng chéo một hàng hóa phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do cùng một Bộ hoặc nhiều Bộ quy định…

Để công tác KTCN có những chuyển biến mạnh mẽ, trong thời gian tới, các Bộ, ngành cần nỗ lực, tiếp tục rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và KTCN, cũng như hoàn thành việc ban hành danh mục hàng hóa XNK thuộc diện quản lý, KTCN kèm theo mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn KTCN.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần tiếp tục cải thiện thực chất hơn nữa về điều kiện đầu tư kinh doanh và KTCN trên tinh thần vừa cắt giảm điều kiện KTCN, vừa đảm bảo mục tiêu tạo thuận lợi thương mại và quản lý nhà nước, chống gian lận thương mại.​ 

Hỗ trợ trực tuyến

19009299

(chọn nhánh 02)

bophanhotrotchq@customs.gov.vn

Bản quyền thuộc về Tổng cục Hải Quan
Địa chỉ: Lô E3 - Đường Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội