Cơ chế hải quan một cửa quốc gia: Giải pháp nâng chất lượng dịch vụ công

30/05/2016 11:47

Cảnh DN, người dân phải “gõ cửa” nhiều bộ, ngành để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động XNK sắp trở thành “dĩ vãng” khi nước ta chính thức áp dụng Cơ chế hải quan một cửa quốc gia (NSW).

“Ích nước - lợi DN”

Cơ chế này được chính thức khởi động khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 48/2011/QĐ-TTg ngày 30-8-2011 về triển khai thí điểm NSW. Việc thực hiện Cơ chế không chỉ là tiền đề quan trọng để nước ta kết nối, hội nhập quốc tế (thông qua Cơ chế một cửa ASEAN - ASW), mà đây còn là bước đi quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công liên quan đến hoạt động XNK của cơ quan quản lí Nhà nước. Chính bởi tầm quan trọng đó, nên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm Trưởng ban chỉ đạo quốc gia NSW.

Theo Tổng cục Hải quan - Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia về NSW, khi triển khai Cơ chế sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho giới DN, các nhà đầu tư và người dân. Những lợi ích này đã được kiểm chứng tại các nước phát triển và sự đánh giá từ các cơ quan, tổ chức chuyên môn quốc tế. Đầu tiên chính là giảm thiểu chi phí do đẩy nhanh được việc giải quyết các thủ tục hành chính.

Theo tham khảo của Tổng cục Hải quan, Hệ thống một cửa TradeNet của Singapore giúp DN giảm 20% chi phí xử lí chứng từ thương mại (so với khi chưa áp dụng TradeNet), với các DN giao nhận khoản tiết kiệm này có thể lên từ 25 đến 30%. Trong khi đó, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhận định việc cắt giảm yêu cầu chứng từ giấy trong vận tải hàng hóa đường không (do sử dụng các cơ chế một cửa quốc gia, một cửa khu vực) giúp lĩnh vực vận tải này tiết kiệm 1,2 tỉ USD/năm trong chuỗi cung ứng quốc tế (trong đó 80% do giảm chi phí về giấy tờ)…

Lợi ích thứ hai chính là việc giúp DN giảm thiếu các sai sót ngoài ý muốn trong thực hiện các thủ tục hành chính. NSW đưa ra quy định DN chỉ phải nộp hồ sơ và thông tin đã được chuẩn hóa tại một đầu mối (ở Việt Nam là cơ quan Hải quan - PV) để thực hiện tất cả các quy định của cơ quan quản lí liên quan đến hoạt động XNK, quá cảnh (hàng hóa, phương tiện), nếu thông tin ở dạng điện tử thì chỉ phải nộp 1 lần. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, việc giảm thiểu thủ tục hành chính sẽ có tác động không nhỏ trong việc giúp DN hạn chế được các sai sót không cố ý vì không phải thực hiện nhiều lần.

Ngoài ra, NSW cũng giúp DN sử dụng hợp lí, hiệu quả nguồn nhân lực. Với việc không phải thực hiện thủ tục hành chính ở nhiều đầu mối, nhiều công đoạn như hiện nay và sử dụng phương thức nộp hồ sơ, thông tin ở dạng điện tử sẽ giúp DN cắt giảm được rất nhiều chi phí về nhân lực.

Việc đẩy nhanh được hoạt động XNK hàng hóa (nhờ thực hiện NSW) cũng góp phần quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập của DN nói riêng và đất nước nói chung.

Với cơ quan quản lí Nhà nước, NSW là giải pháp giúp cải thiện trực tiếp chất lượng dịch vụ công cung cấp cho hoạt động thương mại và vận tải quốc tế do các quy định ngày càng rõ ràng, minh bạch và dễ tuân thủ. Thông qua Cơ chế này, cơ quan quản lí cung cấp được nhiều dịch vụ tư vấn cho DN một cách chính xác, cập nhật; những thay đổi liên quan đến chính sách cũng được cung cấp kịp thời, đầy đủ hơn. Đặc biệt, song hành với nâng chất lượng dịch vụ thì công tác quản lí Nhà nước cũng sẽ nâng cao xuất phát từ áp dụng kĩ thuật quản lí rủi ro và tăng cường năng lực thực thi chính sách thông qua phân tích dữ liệu giao dịch (của DN).

Một loạt hiệu quả khác cũng được cơ quan chuyên môn đề cập như việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lí Nhà nước được thực hiện nhanh chóng; việc sử dụng nguồn lực được bố trí hợp lí, hiệu quả; vấn đề chống thất thu, đảm bảo nguồn thu NSNN…

Cần sự chung tay

Viễn cảnh về những lợi ích mà NSW mang lại như đề cập ở trên là rất hấp dẫn với người dân, DN. Nhưng để thực hiện được điều đó, sẽ đòi hòi sự “chung tay góp sức” của tất cả các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt là 6 bộ sẽ áp dụng trong giai đoạn thí điểm (gồm Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Y tế, Tài nguyên và Môi trường). Trong đó Bộ Tài chính chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tổ chức thực hiện thí điểm với rất nhiều công việc (chi tiết) liên quan. Các bộ còn lại sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện thí điểm; xây dựng cơ chế phối hợp và ban hành các quyết định trong khuôn khổ Cơ chế; chỉ định đơn vị tham gia thí điểm, lựa chọn và công bố các thủ tục hành chính, cũng như điều kiện thí điểm thuộc phạm vi quản lí…

Ngoài ra, một số bộ, ngành  liên quan dù chưa thí điểm cũng cần phối hợp để thực hiện các công việc để có thể thúc đẩy NSW được triển khai đúng lộ trình. Trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT và đảm bảo an ninh, an toàn khi vận hành hệ thống. Ngân hàng Nhà nước phối với các bộ, ngành để xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến thanh toán thuế, phí, lệ phí… trong hoạt động XNK qua phương thức điện tử. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp để tổ chức hội thảo, tập huấn, tuyên truyền về NSW đến cộng đồng DN.

Đối với bản thân mỗi DN - thành phần hết sức quan trọng cần có sự chủ động và chuẩn bị tốt các điều kiện để đảm bảo việc kết nối và thực hiện hiệu quả với các cơ quan quản lí trong NSW.

 

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành liên quan đã thực hiện một số công việc quan trọng liên quan đến NSW như: Rà soát khuôn khổ pháp lí, hệ thống CNTT có liên quan đến hoạt động XNK; rà soát, xây dựng dự thảo để Thủ tướng ban hành Quyết định thí điểm NSW và trình Thủ tướng việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về NSW. Xây dựng dự thảo bộ dữ liệu thương mại và hành chính phiên bản 1.0 của 7 bộ, ngành gồm: Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông. Triển khai Hệ thống thông quan điện tử (VNACCS); Dự án hiện đại hóa thu ngân sách (Tabmis); thực hiện hệ thống C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) điện tử của Bộ Công Thương…

Đặc biệt, ngày 1-2, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia đã chủ trì phiên họp lần thứ Nhất về NSW và ASW. Tại phiên họp, Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò của NSW và ASW, cũng như những công việc liên quan mà các cơ quan liên quan trong nước đã thực hiện thời gian qua. Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, cần tập trung triển khai nhanh hơn nữa NSW.

 

(theo baohaiquan)

Hỗ trợ trực tuyến

19009299

(chọn nhánh 02)

bophanhotrotchq@customs.gov.vn

Bản quyền thuộc về Tổng cục Hải Quan
Địa chỉ: Lô E3 - Đường Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội